Ung thư vòm mũi họng: Hiểu đúng để phòng ngừa hiệu quả
Ung thư vòm mũi họng (Nasopharyngeal Carcinoma – NPC) là bệnh lý ác tính các tế bào niêm mạc và dưới niêm mạc vùng vòm mũi họng. Bệnh đứng đầu trong các ung thư vùng đầu cổ và đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi 40 – 60.
Trên thế giới, ung thư vòm mũi họng (UTVMH) chia thành 3 khu vực địa lý khác nhau:
– Khu vực có nguy cơ mắc cao: Bao gồm miền Nam Trung Quốc và các nước vùng Đông Nam Châu Á.
– Khu vực có nguy cơ trung bình và ngày càng có xu hướng tăng lên: Bao gồm các nước ở vùng Bắc Phi.
– Khu vực có nguy cơ thấp: Bao gồm các nước Châu Âu, Châu Mỹ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra UTVMH cho tới nay chưa được xác định rõ ràng. Tuy vậy có rất nhiều giả thuyết khác nhau:
Virus: Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh này có liên quan đến virus Epstein – Barr (EBV). Xét nghiệm kháng thể chống virus EBV cao ở một số bệnh nhân UTVMH loại biểu mô không biệt hóa.
Yếu tố di truyền: Nhiều trường hợp UTVMH được phát hiện trong một gia đình. Tỷ lệ tăng cao của kháng nguyên HLA-A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên HLA-Bw46 hình như tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện UTVMH.
Môi trường: Kiều dân Trung Quốc di tản sang Mỹ ít bị UTVMH hơn ở trong nước làm cho người ta nghĩ tới vai trò của môi trường tác động vào bệnh này. Tổn thương chức năng tế bào lympho T kèm theo nhiễm EBV mạn tính là hai yếu tố nguy cơ cao đã được xác định.
Thức ăn và cách chế biến: Thức ăn chế biến qua các khâu lên men như: rượu, bia, cá muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất Nitrosamine có liên quan đến một số loại ung thư của đường tiêu hóa và UTVMH.
Tuổi và giới: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ 5 đến 85 tuổi, tuy nhiên lứa tuổi hay gặp nhất từ 40- 60 chiếm tỷ lệ 50 – 70%. Bệnh gặp ở cả hai giới, tuy nhiên hay gặp ở nam hơn (tỷ lệ nam/nữ = 2,5/1).
Các giả thuyết khác:
– Rượu và thuốc lá: Hầu hết (nhưng không phải tất cả) các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hút thuốc có thể đóng góp vào sự phát triển của UTVMH. Một số nghiên cứu đã nhận ra có sự liên quan giữa UTVMH với chứng nghiện rượu nặng.
– Phơi nhiễm tại nơi làm việc: Một số nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với môi trường làm việc có formaldehyde hoặc gỗ bụi có thể làm tăng nguy cơ của UTVMH. Tuy nhiên, mối liên hệ này là không rõ ràng.
Hình ảnh vẽ cắt lớp vùng vòm mũi họng
Triệu chứng lâm sàng
Giai đoạn đầu các triệu chứng của bệnh rất mơ hồ và dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác; khi các triệu chứng đã rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Giai đoạn sớm: Người bệnh thường có những biểu hiện như: nhức đầu (lan tỏa, âm ỉ, thường ở một bên), ù tai (đa số một bên, ù như tiếng ve kêu), ngạt mũi một bên lúc nặng lúc nhẹ, đôi khi xì ra máu mũi, đau mặt hoặc bị tê vùng mặt, khó khăn khi mở miệng, lóa mắt hoặc bị chứng song thị.
Giai đoạn muộn: Lúc này khối u phát triển tăng dần về kích thước, xâm lấn ra xung quanh nên bệnh nhân nhức đầu liên tục có lúc dữ dội, có điểm đau khu trú; ù tai nặng, nghe kém, giảm thính lực, có thể điếc; ngạt mũi liên tục, kèm chảy máu mũi, không đáp ứng với điều trị thông thường. Khi soi vòm họng và khám các dây thần kinh sọ sẽ thấy các tổn thương. Khám hệ hạch cổ: thường nổi hạch cổ cùng bên với u nguyên phát, hạch góc hàm tổn thương sớm và hay gặp nhất. Ban đầu hạch nhỏ còn di động, sau hạch to dần, chắc, cố định.
Các cách phòng bệnh
UTVMH là một căn bệnh nguy hiểm, thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối. Vì thế, phòng tránh là cách tốt nhất. Dưới đây là một vài cách đơn giản giúp bạn phòng tránh căn bệnh này:
– Hạn chế ăn uống các thực phẩm lên men như: rượu, bia, cá muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất Nitrosamine có liên quan đến một số loại ung thư của đường tiêu hóa và UTVMH;
Kiểm tra, thăm khám tai mũi họng để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả tươi. Không nên ăn đồ nướng vì thực phẩm khi được nướng lên sẽ sinh ra các chất có khả năng gây nên các bệnh ung thư;
– Từ bỏ thói quen uống đồ lúc còn quá nóng vì điều này dễ làm tổn thương các tế bào ở cơ quan vòm họng;
– Rèn luyện thể dục thể thao: Nên vận động các bài thể dục nhẹ nhàng trong khoảng 30 phút mỗi ngày. Việc này không những giúp bạn cảm thấy thoải mái dễ chịu, giải tỏa stress mà còn giúp các cơ vận động, đốt cháy lượng mỡ thừa và giúp bạn tăng khả năng miễn dịch với các loại bệnh tật;
– Cần thăm khám nội soi tai mũi họng khi có các triệu chứng ngạt mũi, ù tai, nổi hạch cổ một bên tăng dần để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, ở những người trong gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư cần khám sức khỏe định kỳ.
Linh Nguyễn
Leave a Reply